Những lưu ý đặc biệt khi mua nhà chung cư

I. Những lưu ý ban đầu

1. Xác định rõ khả năng tài chính để mua căn hộ

Tiền là điều kiện cần cho bạn có một ngôi nhà mới. Trước khi quyết định mua nhà, việc đầu tiên là bạn phải biết chắc được thực lực tài chính của mình. Bạn phải xác định rõ mình có bao nhiêu tiền và lựa chọn căn hộ trong khoảng nào cho phù hợp.

Bên cạnh nguồn thu nhập của bản thân, bạn cũng có thể huy động thêm từ gia đình, hay nhờ hỗ trợ vay vốn từ ngân hàng. Hiện nay, nhiều dự án căn hộ có hỗ trợ dịch vụ vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp, giúp khách hàng dễ dàng hơn trong việc mua nhà. Song, bạn cần xác định rõ tiền gốc và lãi phải trả hàng tháng để chuẩn bị tài chính phù hợp, tránh tình trạng “nai lưng” để trả nợ.

2. Tìm hiểu thật cặn kẽ thông tin dự án

Khi mua căn hộ chung cư, việc tìm hiểu một số thông tin như: năng lực, uy tín của chủ đầu tư dự án, giấy phép đầu tư và xây dựng của dự án…là vô cùng cần thiết. Theo kinh nghiệm của nhiều người, tốt nhất nên lựa chọn những chủ đầu tư uy tín có những dự án được kiểm nghiệm bởi khách hàng vào những thời gian trước đó.

Tiếp đến là chất lượng công trình, tiến độ bàn giao nhà hay một số giấy tờ pháp lý liên quan như sổ đỏ với khu đất và những vấn đề về quy hoạch kèm theo.

3. Tìm hiểu cặn kẽ thông tin chủ đầu tư

Trong khoảng hơn 10 năm phát triển, thị trường bất động sản Việt Nam xuất hiện hàng nghìn chủ đầu tư. Tuy nhiên, hầu hết đó không phải là các nhà phát triển bất động sản chuyên nghiệp và thực tế cũng chưa có những đánh giá hoặc xếp hạng độc lập về các đơn vị này. Trong khi đó, việc đánh giá được toàn diện năng lực chủ đầu tư là điều rất khó khăn đối với người mua căn hộ. Do đó, người mua nên dựa vào các dự án đã hoàn thành của các đơn vị này để đưa ra quyết định.

Một trong những điều đầu tiên người mua căn hộ chung cư nên biết đó là tên tuổi và năng lực của chủ đầu tư. Hãy bắt tay vào việc tìm kiếm “tất tần tật” về thông tin chủ đầu tư cũng như những dự án mà chủ đầu tư đã thực hiện trước đây. Một chủ đầu tư tên tuổi sẽ đảm bảo chất lượng hoàn thiện dự án, tính pháp lý và tiến độ xây dựng. Ngoài ra, mỗi chủ đầu tư đều có phong cách quy hoạch, thiết kế và phương châm phát triển sản phẩm riêng. Người mua hãy chắc mình đã tìm hiểu kỹ các yếu tố này.

Ngoài thông tin chủ đầu tư, bạn cũng nên kiểm tra thêm thông tin về nhà thầu, đơn vị thiết kế, đơn vị giám sát và quản lý… Tất cả những bước kiểm tra này đều rất đơn giản chỉ bằng vài phút tìm kiếm trên mạng Internet.

4. Thăm dò giá kỹ càng

Nếu là chung cư căn hộ đã có người đang ở, bạn nên tìm kiếm các thông tin đang giao dịch trên thị trường để biết giá đang rao bán khoảng bao nhiêu? Bạn có thể truy cập vào nhaban.com, chuyên mục chung cư, căn hộ. Tìm kiếm chung cư căn hộ bạn quan tâm để biết về giá đang rao bán hiện tại là bao nhiêu? Tiếp đến bạn hãy ghé thăm chung cư đó, vào một quán cà phê, bạn sẽ có rất nhiều thông tin về giá cả, chất lượng cũng như các thông tin khác…

Nếu là chung cư, căn hộ mới, đang xây dựng. Bạn cũng có thể truy cập vào các trang web uy tín, các chuyên mục về chung cư, căn hộ. Tìm kiếm chung cư căn hộ bạn quan tâm để biết về giá đang rao bán hiện tại là bao nhiêu? Tiếp đến bạn hãy ghé thăm chung cư đó, vào một quán cà phê, bạn sẽ có rất nhiều thông tin về giá cả, chất lượng cũng như các thông tin khác.. nhưng có một điều quan trọng nữa mà bạn nên tìm hiểu đó là, chung cư đó gồm bao nhiêu đối tác góp vốn, phân phối? Sau khi có thông tin này, bạn nên ghé thăm tất cả các đối tác góp vốn, phân phối, lựa chọn nhà phân phối nào giá cả và điều kiện tốt nhất cho mình.

5. Các rủi ro thường gặp

Vấn đề pháp lý nổi cộm nhất ở Việt Nam trong những năm qua là tình trạng “bán nhà trên giấy”. Theo quy định các dự án chỉ được bán khi đã có thiết kế kỹ được phê duyệt và thi công xong phần móng, tuy nhiên chủ đầu tư vẫn bán nhà hình thành trong tương lai dưới các huy động vốn, góp vốn của khách hàng… Tiến độ chậm hoặc bỏ hẳn không xây, bán nhà kiểu “Cuội bán vịt trời”, bán nhà tính giá bằng đô, góp vốn một giá, khi lên hợp đồng một giá, chất lượng cẩu thả, thu phí giá trên trời… là những rủi ro rất thường gặp khi mua căn hộ. Để tránh những rủi ro pháp lý, người mua nên tham khảo ý kiến luật sư trước khi đặt bút ký vào hợp đồng giao dịch.

 

II. Những lưu ý về mặt vị trí

Như một nhà đầu tư bất động sản nổi tiếng đã từng tiết lộ: “Ba yếu tố quan trọng nhất của một bất động sản đó chính là “ vị trí, vị trí và vị trí ”.

1. Môi trường

Vì căn nhà bạn sắp lựa chọn có thể là nơi bạn dành cả phần đời của mình và thậm chí của cả con cháu ở đó, nên cần phải dành thời gian nghiên cứu thật kỹ môi trường sống ở đó. Những nơi có môi trường kém như: ô nhiễm tiếng ồn, rác thải, mật độ dân cư đông… sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của bạn và gia đình, có khi sẽ khiến bạn “bỏ của chạy lấy người”. Đây là những yếu tố có ảnh hưởng lâu dài nên bạn nhất định phải tìm hiểu và cân nhắc kỹ lưỡng và là kinh nghiệm mua nhà đất mà bạn không nên bỏ qua.

2. Hạ tầng xã hội

Chúng ta cần một ngôi nhà để ở. Nhưng hơn thế, chúng ta cần một môi trường tốt để sinh sống. Ở nơi đó có đầy đủ mọi tiện ích để phục vụ cho đời sống của gia đình bạn. Đó là trường học, siêu thị, bệnh viện, công viên… Các dự án lớn thường được đầu tư đồng bộ nên cư dân ở đó có thể tìm thấy mọi dịch vụ quanh nơi mình sinh sống. Các dự án nhỏ bị hạn chế ở mặt này.

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của những người mua nhà chia sẻ thì với tình hình thị trường cạnh tranh như ngày nay, ở các dự án nhỏ, bạn vẫn có thể thấy sự hiện diện của trường mầm non, bể bơi, trung tâm thể thao, thậm chí là phòng khám, rạp chiếu phim… ngay bên trong tòa nhà chung cư.

3. Hạ tầng kỹ thuật

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong khu chung cư bao gồm: đường, hè, sân vườn, cấp thoát nước, điện chiếu sáng… Toàn bộ hệ thống này cần được đầu tư đồng bộ và hoàn chỉnh vì đây là yêu cầu tối thiểu với bất kỳ dự án chung cư nào.

Bên cạnh đó, hãy lưu ý lưu lượng giao thông quanh khu chung cư bạn đang cân nhắc. Hãy đến những trục đường bạn sẽ di chuyển nhiều và quan sát trong các giờ cao điểm liệu tình trạng giao thông tại đây có quá tệ, có nhiều xe tải, container di chuyển hay không. Đừng quên chất vấn chủ đầu tư hay môi giới của bạn về các dự án hạ tầng giao thông sắp triển khai liệu có giải quyết các vấn đề về di chuyển không.

4. Khoảng cách và thời gian

Trước khi chọn mua chung cư, bạn nên đặt ra câu hỏi này trong đầu: “Vị trí của tòa chung cư đó có thực sự thuận tiện cho sinh hoạt, đi lại và làm việc của mình hay không?”.  Nhiều khu chung cư thiết kế rất đẹp và hạ tầng nội bộ khu rất ổn, nhưng để đi làm và con cái đi học lại là cả vấn đề rất lớn kể cả khi bạn có xe hơi. Hãy tưởng tượng một năm phải tiêu xài 700 tiếng đồng hồ cho việc đi trên đường và chờ đợi khi tắc đường, cộng thêm chi phí xăng xe và hao tổn sức khỏe… Vài chục năm như thế, cái giá lượng hóa phải trả không dưới con số hàng tỷ đồng. Đây cũng là lý do tại sao các căn hộ chung cư cũ dù rất cũ nát hoặc mới tinh tươm trong bốn quận nội đô lại có khoảng cách giá dữ dội khi so với các khu đô thị mới ven đô.

Hãy đặt ra các câu hỏi sau về hạ tầng và đánh dấu cho điểm, nếu đạt 70% yêu cầu là bạn có thể đã tìm được một khu chung cư ưng ý.

– Vị trí tương quan với cả khu vực và cả thủ đô Hà Nội thế nào? Tương lai có phát triển không? Thuận tiện về giao thông cho việc đi làm, đi học của đa số thành viên trong giá đình không?

– Hạ tầng thiết yếu đảm bảo cuộc sống hàng ngày: điện, đường, trường, trạm, nước sạch, chợ, bệnh viện, công viên, các tiệm ăn, dịch vụ hành chính công… có đầy đủ và thuận lợi?

– Hạ tầng môi trường: gần sông, hồ nước sạch, cách xa khu công nghiệp, khu dịch vụ, không gian yên tĩnh, môi sinh trong lành, nhiều cây xanh, có hồ điều hòa, có nhiều khoảng không công cộng không?

– Hạ tầng nhân sinh: cộng đồng công dân có văn minh, đồng đều văn hóa và lối sống hay gần khu dân cư phức tạp, tụ điểm tệ nạn không?

– Hạ tầng văn hóa, tâm linh: có gần trung tâm văn hóa, nơi thể thao giải trí, hồ bơi … không?

– Hạ tầng tương lai: quy hoạch chung tổng thể khu đô thị và các khu lân cận có hài hòa, phát triển không?

– Hạ tầng phong thủy: nền đất khu vực có lành, quá khứ có từng là bãi tha ma, nghĩa trang di dời, gần bệnh viện truyền nhiễm, cuối nguồn sông nước thải, nền địa chất có ổn định không?

– Hạ tầng an ninh: khu vực có tình hình trị an, công an phường/xã có mạnh, các tổ chức đoàn thể có hoạt động thường xuyên không?

– Hà tầng nội bộ: phí sinh hoạt hàng tháng, đội ngũ quản lý tòa nhà, quy củ và quy định của của ban quản trị, chỗ gửi xe, nơi sinh hoạt chung…

Phải xét nhiều yếu tố và tự thống kê cho điểm, thứ tự ưu tiên sẽ là: Giao thông => Điều kiện thiết yếu => An ninh trật tự => Văn hóa => Môi sinh.

 

III. Những lưu ý về mặt phong thủy

Phong thủy tốt là những nơi có địa thế “ tiền thủy, hậu sơn ”, hoặc đơn giản hơn là “ gần sông, hồ ”. Chính vì lẽ đó, có không ít chủ đầu tư như Vingroup, Phú Mỹ Hưng… đã mạnh tay đầu tư trong khu đô thị của mình những dòng sông, ngọn núi nhân tạo. Sự đầu tư này thực sự không uổng phí và đã làm gia tăng giá trị cho dự án lên bội phần. Nếu ngân sách không cho phép bạn mơ mộng, thì với kinh nghiệm mua nhà đất này bạn hoàn toàn có thể tự lựa chọn một dự án có địa thế đẹp với một mức giá hợp lý.

1. Hướng nhà của toà nhà chung cư

Khi chọn mua nhà chung cư, bạn nên chọn những tòa nhà có khoảng Minh Đường (những khu vực trống ở trước mặt tòa nhà) rộng rãi, sáng sủa. Nếu phía trước tòa nhà có một hồ nước thì khí dung nạp rất tốt. Còn nếu gần công viên, vườn cây thì chúng sẽ giúp cải thiện trường khí, giảm tà khí cho tòa nhà.

Hơn nữa, bạn cũng nên chọn chung cư có mặt quay về hướng Nam hoặc Đông Nam. Bởi như vậy, tòa nhà sẽ đón được gió mát và có ánh sáng ổn định hơn.

Bên cạnh đó, cũng nên tránh chọn những tòa chung cư có các con đường chiếu thẳng vào, tránh gần nơi có nhiều giao lộ, nơi phương tiện di chuyển nhiều, tránh gần chợ, nơi tập trung rác thải chứa nhiều uế khí.

2. Vị trí của căn hộ trong tổng thể toà nhà

Nhà chung cư đẹp nhất nên ở từ tầng 6 đến tầng 15. Đây là khoảng cao hợp lý, bởi nếu ở quá thấp thì gia đình bạn rất dễ bị ảnh hưởng bởi khói bụi tiếng ồn, còn nếu ở quá cao thì không khí sẽ loãng hơn, không tốt sức khoẻ.

Ngoài ra, theo nguyên tắc phong thủy, số tầng lầu Ngũ hành tương sinh với Ngũ hành tuổi của gia chủ là tốt nhất bởi điều này sẽ giúp gia chủ gặp nhiều đại cát, đại lợi.

3. Hướng cửa của căn hộ

Bạn cần tránh chọn những căn hộ có hành lang dài hướng thẳng vào nhà, tránh đối diện cửa căn hộ khác, cửa thang máy, tránh gần các khu vực giao thông đông đúc ở hành lang,… Nguyên nhân là do khi cửa nhà ở những vị trí này thì người ngoài có thể dễ dàng nhìn thấy toàn gian phòng. Hơn nữa, theo phong thủy, điều này tối kị vì nó dễ gây hao tán về tài lộc và bất an cho gia chủ.

4. Ban công, cửa sổ tránh quay về hướng Tây

Ban công, cửa sổ quay về hướng Tây sẽ khiến nắng chiếu vào nhà, gây bất lợi cho người ở. Hơn nữa, bạn cũng nên tránh chọn những căn hộ có cửa sổ, ban công mở quá gần một toà nhà kế bên, nhất là lại có cửa chiếu thẳng vào phía toà nhà đối diện.

Ngoài ra, nếu căn hộ có cửa sổ hoặc ban công bị góc nhọn của công trình xung quanh chĩa thẳng vào thì đây là một điều xấu. Vì theo quan niệm phong thủy, những góc nhọn đó sẽ tạo ra sát khí gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và tài vận của gia chủ sống trong căn hộ.

5. Cơ cấu phòng trong chung cư

Khi xem xét cơ cấu phòng trong nhà chung cư, gia chủ cũng nên tránh chọn các căn hộ có điểm sau:

– Căn hộ có phòng vệ sinh quá gần cửa chính.

– Phòng bếp, gian thờ đặt ở chính giữa căn hộ.

– Bếp và gian thờ sát với các khu vệ sinh.

– Sảnh mở vào từ cửa chính quá nhỏ, bí bức.

– Khu vệ sinh có cửa mở thẳng ra cửa chính, bếp, phòng khách hay đối diện cửa phòng ngủ.

6. Chọn những căn hộ xa chỗ đổ rác và khu vực thang máy

Căn hộ không nên nằm qua gần khu vực thang máy

Một tòa chung cư có rất nhiều căn hộ và nằm ở nhiều vị trí khác nhau. Khi chọn căn hộ, bạn nên chọn những căn nằm xa nơi tập trung rác và khu vực thang máy của tòa nhà nếu có thể. Đây là việc nên làm để hạn chế mùi hôi từ phòng rác hay tiếng ồn khi cư dân di chuyển tại khu vực thang máy. Ngoài ra, bạn nên chọn những căn góc để tận dụng sự thông thoáng của cả 2 mặt tòa nhà.

 

IV. Những lưu ý về mặt tiện ích

1. Xác định tiện ích nội – ngoại khu có đáp ứng đủ nhu cầu không?

Khi chọn mua căn hộ chung cư, bạn cũng nên để ý đến tiện ích nội khu và ngoại khu quanh chung cư bạn sắp mua. Những yếu tố này tưởng chừng như nhỏ và thường bị bỏ qua khi cân nhắc chọn chung cư với suy nghĩ “có thì tốt không có cũng không sao”. Song đến 60% người mua cho biết đây là điểm quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sinh hoạt của gia đình mỗi ngày và nuối tiếc khi đã không cân nhắc kỹ yếu tố này. Hãy xác định điều cần tập trung trong thời gian tới của bạn là việc học của con cái hay các trung tâm chăm sóc sức khỏe cho người lớn tuổi trong gia đình. Sau đó, tìm hiểu trong bán kính 1km – 5km có những khu khu mua sắm, chợ, siêu thị, trường học hay bệnh viện nào không, đó có phải là điều mà gia đình bạn cần sử dụng thường xuyên không.

2. Dịch vụ đi kèm

Trong các khu chung cư, bạn cũng sẽ tìm thấy các dịch vụ đi kèm như dịch vụ ăn uống, mua sắm, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, thể dục thể thao… Các dịch vụ này giúp mang lại tiện nghi cho cuộc sống cư dân và làm tăng giá trị cho dự án.

3. Xác định chung cư có bao nhiêu tầng hầm, sức chứa như thế nào?

Bạn có chắc mình sẽ không bực bội khi trở về sau ngày làm việc vất vả nhưng không thể gửi xe ngay tại chung cư?

Bạn nên quan tâm đến tiêu chuẩn gửi xe (mỗi căn hộ được gửi tối đa bao nhiêu xe máy, bao nhiêu ô tô…). Tất cả những thông tin này cần được làm rõ trong hợp đồng mua bán.

Tầng hầm của chung cư là một trong những yếu tố quan trọng mà bạn nên tìm hiểu. Trung bình mỗi hộ gia đình thường có ít nhất 2 xe máy, một số hộ còn có 1 đến 2 ô tô. Do đó, khi mua chung cư mà chủ đầu tư xây dựng hầm để xe không đủ sức chứa tương đương mật độ căn hộ/mật độ cư dân có thể mang lại nhiều phiền toái trong quá trình sinh sống.

Báo chí đã từng đưa tin về rất nhiều tranh chấp giữa khách hàng và chủ đầu tư xung quanh câu chuyện phí gửi xe. Để tránh đi vào vết xe đổ này, bạn cần thảo luận kỹ với chủ đầu tư về chủ đề này.

4. Nếu có điều kiện, nên mua căn hộ có từ 2 vệ sinh và 2 phòng ngủ trở lên

Đây cũng là một trong những yếu tố mà bạn nên xét đến khi chọn mua căn hộ. Trong trường hợp căn hộ có 2 phòng ngủ và 2 nhà vệ sinh trở lên thì chắc chắn việc đón tiếp khách đến nhà thường xuyên không còn là vấn đề với gia đình bạn. Ngoài ra, đây cũng là cách đề phòng một trong hai nhà vệ sinh bị hỏng đột xuất.

5. Ưu tiên căn hộ mà phòng nào cũng có cửa sổ

Khi căn hộ thiết kế mỗi phòng đều có cửa sổ, chắc hẳn không khí trong phòng sẽ được lưu thông dễ dàng hơn, góp phần tạo nên môi trường sống trong lành, thoáng mát và đầy sinh khí.

6. Ưu tiên căn hộ có ban công

Khoảng không gian của ban công tuy có diện tích khiêm tốn nhưng rất hữu dụng mà ít người để ý. Chúng sẽ là nơi thư giãn lý tưởng vào mỗi sáng sớm hay chiều tối, nơi tận dụng làm không gian xanh cho gia đình cũng như là nơi đọc sách lý tưởng.

7. Chú ý số lượng căn hộ trên một tầng và số lượng thang máy của toà nhà

Số lượng căn hộ trên cùng 1 tầng sẽ thể hiện mật độ cư dân và tính riêng tư của cư dân tại dự án. Hiện nay con số 8 căn hộ trên một tầng là con số tiêu chuẩn hiện nay của các chung cư cao cấp. Tuy nhiên, nếu chung cư bạn đang cân nhắc có mật độ dày hơn, hãy xem cách thiết kế và bố trí của chủ đầu tư để chọn không gian tốt nhất, riêng tư nhất cho mình và gia đình.

Đồng thời, cân nhắc số lượng thang máy tại một tòa nhà. Đối với các tòa nhà cao tầng, thang máy là yếu tố cực kỳ quan trọng vì mọi cư dân đều sử dụng chúng. Những giờ cao điểm từ 7 đến 9 giờ sáng và 17 đến 19 giờ tối là những giờ cao điểm di chuyển của cư dân. Vì vậy, hãy cân nhắc kỹ số lượng thang máy và số lượng căn hộ tại dự án để đảm bảo mật độ thang máy có thể sử dụng đủ cho mọi người trong cùng tòa nhà trong giờ cao điểm. Tại các chung cư mới hiện nay thường có từ 3 đến 6 thang máy bao gồm thang chuyển hàng trong một tòa tháp. Ngoài ra, nên quan tâm chất lượng của thang máy.

8. Hệ thống báo cháy và an ninh

Một trong những khía cạnh mà mọi người thường cân nhắc trước khi chọn mua một căn hộ chung cư là vấn đề phòng cháy chữa cháy. Tuy không nhiều nhưng cũng đã từng có những vụ hỏa hoạn ở chung cư cao tầng gây khiếp sợ cho cư dân. Không ai có thể lường hết được mọi bất trắc, vì vậy chúng ta cần có sự phòng bị chu đáo. Bạn cần hỏi rõ về hệ thống phòng cháy chữa cháy ở trong tòa nhà và tự tìm hiểu xem đó có phải là hệ thống chất lượng không?

Bên cạnh đó, để đảm bảo an ninh cho tòa nhà, một số chủ đầu tư còn trang bị thêm hệ thống camera quan sát an ninh, kiểm tra ra vào trong khu nhà. Tất nhiên, những chi phí này sẽ được tính vào giá mua nhà.

9. Cộng điểm cho những toà có 2 thang bộ thoát hiểm

Kinh nghiệm cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng đó là bạn tốt hơn hết nên chọn những tòa chung cư có thiết kế 2 thang bộ thoát hiểm trở lên, bên cạnh thang máy. Thang bộ thoát hiểm ít được nhiều người quan tâm nhưng chúng rất hữu ích để phòng khi có cháy hoặc sự cố không mong muốn xảy ra.

10. Khả năng cho thuê

Cũng giống như đầu tư cổ phiếu, thay vì chỉ trông chờ vào tăng giá, nhà đầu tư còn mong muốn mức cổ tức cao. Không giống như những năm trước khi thị trường mang nhiều yếu tố đầu cơ kiếm lời từ giá trao tay, hiện tại, người mua sẽ quan tâm đến khả năng cho thuê bên cạnh khả năng bán khi giá tăng. Điểm này có lẽ là một cân nhắc quan trọng trong bối cảnh hiện nay khi mà tiềm năng tăng giá còn yếu. Ở Việt Nam hiện tại, lợi tức cho thuê căn hộ dịch vụ dao động vào khoảng 5% tại TP HCM tính theo ngoại tệ USD.

 

V. Những lưu ý về mặt pháp lý

1. Về hồ sơ giấy tờ cần yêu cầu chủ đầu tư cung cấp

Đầu tiên là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của chủ đầu tư, trong đó phải có ngành nghề kinh doanh bất động sản. Giấy này sẽ đảm bảo, chủ đầu tư có đủ cơ sở pháp lý để thực hiện xây dựng và kinh doanh dự án bất động sản.

Một giấy tờ vô cùng quan trọng là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) hoặc quyền thuê đất của chủ đầu tư. Khi dự án có đủ giấy chứng nhận nghĩa là dự án đã giải phóng xong mặt bằng và đất xây dự án là “đất sạch” không có tranh chấp pháp lý về sau. Hơn thế nữa, sổ đỏ sẽ chứng minh dự án chủ đầu tư đang bán không bị chủ đầu tư thế chấp tại ngân hàng.

Giấy tờ thứ ba là giấy phép xây dựng của dự án. Nhiều dự án hiện nay xảy ra tình trạng xây dựng không phép và bị đình chỉ thi công, dẫn đến chậm tiến độ dự án.

Thứ tư là hồ sơ xác định chủ đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, tiền thuế liên quan đến đất. Nhiều khu chung cư khi người dân đi làm sổ đỏ bị vướng bởi chủ đầu tư còn nợ nghĩa vụ tài chính với nhà nước.

Các thông tin này luôn phải có sẵn ở chỗ của chủ đầu tư, nếu người mua yêu cầu thì họ phải xuất trình được. Người mua có thể đối chiếu với với thông tin thu thập được từ các cơ quan có liên quan là Sở Tài nguyên, Sở xây dựng, Sở Kiến trúc Quy hoạch của thành phố.

2. Về hợp đồng mua bán, hợp đồng góp vốn

Bên cạnh hồ sơ pháp lý của dự án, người mua cần xem kỹ hợp đồng mua bán, đặc biệt phải chú ý đến các nội dung sau đây:

Đồng tiền thanh toán phải là VNĐ, để đảm bảo tuân thủ quy định của ngân hàng nhà nước. Nếu hợp đồng mua bán quy định tiền thanh toán là USD thì khi có tranh chấp sẽ không được tòa án công nhận hợp đồng mua bán này.

Tiến độ thanh toán phải gắn với tiến độ hoàn thành từng phần xây dựng. Cho đến trước khi nhận bàn giao nhà, chỉ thanh toán tối đa 70% giá trị hợp đồng. Nên giữ lại 5-10% giá trị hợp đồng cho đến lúc nhận bàn giao nốt giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ (sổ hồng). Người mua cần lưu ý tiến độ thanh toán phải gắn với tiến độ hoàn thành từng phần xây dựng.

Điều đặc biệt lưu ý là người ký hợp đồng phải là người đại diện có thẩm quyền, tức là phải là người đại diện theo pháp luật của chủ đầu tư hoặc chủ đầu tư phải có Giấy ủy quyền hợp pháp. Tuân thủ điều này để tránh hợp đồng bị vô hiệu.

Đối với các dự án mua bán với chủ đầu tư, tức là những dự án nhà ở hình thành trong tương lai thì thời điểm ký hợp đồng phải là lúc dự án phải được xây dựng xong phần móng. Nếu dự án chưa xong móng mà chủ đầu tư ký hợp đồng mua bán với khách hàng là phạm luật.

Cần đặc biệt lưu ý đến phần diện tích chung, riêng để tránh tranh chấp về sau.

Thông thường, hợp đồng mua bán thường do bên bán đề ra nên sẽ có lợi nhiều cho bên bán. Bên mua thường có nhiều trách nhiệm và nghĩa vụ trong khi quyền lợi lại ít hơn đáng kể. Là người mua, bạn cần chú ý đến thực tế này và dành sự quan tâm đáng kể cho nó trước khi đặt bút ký hợp đồng.

3. Điều khoản về quyền lợi và nghĩa vụ

Trong hợp đồng mua bán phải có điều khoản qui định cụ thể về quyền lợi và nghĩa vụ của bên mua và bên bán. Trong đó, đặc biệt chú ý đến các qui định về quyền lợi và nghĩa vụ của bên mua. Việc sửa đổi hợp đồng hiếm khi xảy ra, nhưng bạn cần yêu cầu chủ đầu tư làm rõ những chỗ nào chưa hiểu để trong trường hợp bạn không chấp nhận theo yêu cầu của họ thì bạn vẫn có thể tạm bỏ qua dự án này và chờ một dự án phù hợp hơn.

Vì là chủ một căn hộ trong dự án, bạn có những quyền nhất định và những quyền này cần được ghi rõ trong hợp đồng. Đó là: được sử dụng chỗ để xe, những tiện ích công cộng, được lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ về điện thoại, truyền hình, internet với mức phí thỏa thuận; được yêu cầu bảo hành, bảo trì công trình; được tự thay đổi, sửa chữa hoàn thiện căn hộ và các quyền khác (nếu có).

4. Điều khoản về bảo hành, bảo trì

Đối với những dự án đã hoàn thành, giá bán có thể xác định rất dễ dàng dựa trên chất lượng căn hộ. Với các dự án còn dở dang, bạn cần yêu cầu chủ đầu tư cam kết chất lượng công trình và thời điểm bàn giao, phụ lục đính kèm cần mô tả đầy đủ mức độ hoàn thiện của căn hộ và các tiện ích đi kèm.

Hợp đồng phải quy định rõ chủ đầu tư phải có nghĩa vụ bảo hành nhà ở chung cư cho bên mua trong thời hạn tối thiểu là 60 tháng kể từ ngày hoàn thành xây dựng và nghiệm thu đưa vào xây dựng. Nội dung bảo hành bao gồm sửa chữa, khắc phục các hư hỏng liên quan đến các bộ phận nhà ở (sàn, tường, trần, cầu thang bộ…) và cả những hệ thống phục vụ sinh hoạt (điện, nước…).

5. Điều khoản về chi phí quản lý

Người mua cần thẩm định và quan tâm đến các thỏa thuận về các khoản chi phí khác ngoài tiền mua nhà và các khoản chi trong tương lai. Chẳng hạn như chi phí quản lý chung cư, phí dịch vụ bảo vệ, phí giữ xe, phí bảo trì, mức giá cung ứng điện, nước,… Phí quản lý là khoản chi phí cho các hoạt động quản lý, vận hành nhà chung cư. Tùy vào tiêu chuẩn cửa dự án ( cao cấp, thông thường hay giá rẻ thương giao động từ 4 000/2 – 8 000/m2), mỗi dự án sẽ có một mức thu khác nhau nhưng không được vượt trần của nhà nước ( ngoại trừ trường hợp có thỏa thuận riêng giữa chủ đầu tư và khách hàng ). Thực tế, cho thấy đã có rất nhiều vụ tranh chấp giữa các chủ đầu tư và khách hàng xung quanh loại phí này.

6. Điều khoản về đơn vị quản lý

Đơn vị quản lý chuyên nghiệp sẽ giúp cuộc sống cư dân an nhàn và dễ chịu hơn. Bạn có thể đánh giá dễ dàng chất lượng quản lý của một đơn vị cụ thể bằng cách tìm hiểu xem hiện giờ họ đang quản lý những dự án nào và ý kiến của cư dân ở đó. Kinh nghiệm mua chung cư cho thấy bạn không nên đặt niềm tin vào những đơn vị quản lý mới vì họ có thể mắc phải sai lầm mà những đơn vị khác đã từng trải qua. Và người chịu thiệt thòi không ai khách chính là các khách hàng.

Giá trị chất lượng của một khu chung cư gắn liền với giá trị chất lượng quản lý của đơn vị quản lý và đó cũng chính là một trong những tiêu chí quan trọng để người tiêu dùng quyết định lựa chọn mua căn hộ chung cư.

7. Tiến độ xây dựng

Điều gì xảy ra khi dự án không thể hoàn thành đúng tiến độ? Câu trả lời đã xuất hiện nhiều trên thị trường khi gần đây một loạt các vụ kiện cáo diễn ra. Rủi ro bị đẩy về phía người mua vì có nguy cơ mất trắng, trong khi khoản tiền đầu tư có thể đang phải chịu lãi ngân hàng.

Yếu tố này liên hệ khá mật thiết với năng lực của chủ đầu tư. Trong bối cảnh hiện tại của thị trường bất động sản Việt Nam, khi mà đa số chủ đầu tư thiếu vốn và lệ thuộc vốn vay ngân hàng, tiêu chí này vô cùng quan trọng.

Hy vọng rằng với những lưu ý trên các bạn sẽ tránh được cho mình nhiều rủi ro và mua được căn hộ ưng ý.

Nguồn: Sanota tổng hợp

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *