Phân biệt Branding, Brand identity và Brand

Dù bạn là một doanh nhân, một content creator hay đơn giản là một cá nhân đang trải qua quá trình phát triển bản thân thì việc hiểu và xây dựng thương hiệu ngay từ bây giờ là điều vô cùng cần thiết. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để bạn thành công.

Hãy cùng tìm hiểu những khái niệm về thương hiệu và hành trình xây dựng thương hiệu qua loạt bài viết này nhé!

Branding, Brand identity và Brand: Điểm khác nhau là gì?

Trước khi chúng ta có thể tìm hiểu về các loại hình thương hiệu khác nhau, bạn cần phân biệt được: xây dựng thương hiệu (Branding), nhận diện thương hiệu (Brand identity) và  thương hiệu (brand).

Logo mới của tập đoàn Viettel, đánh dấu bước chuyển mình từ 1 tập đoàn về viễn thông sang một tập đoàn công nghệ số đa lĩnh vực.

Hãy bắt đầu với khái niệm thương hiệu (brand).

Thương hiệu có thể là một tên gọi, một thiết kế hay hình ảnh,… được tạo ra để kết nối giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. Thuật ngữ thương hiệu thường được sử dụng để nói về các công ty, tuy nhiên nó có thể bao hàm bất cứ thứ gì cũng có thể có thương hiệu: trường học, tổ chức chính phủ, câu lạc bộ xã hội, mạng xã hội,…

Một điểm cần lưu ý là thương hiệu mang tính khách quan: có thể bạn truyền đạt thương hiệu của mình với khách hàng bằng những câu từ, hình ảnh (được cho là) chỉn chu và hoàn hảo nhất. Nhưng khách hàng lại sẽ có cách nhìn nhận thương hiệu có thể khác với những gì bạn đã vạch ra. Cách mà khách hàng nghĩ và “gán” cho thương hiệu của bạn mới đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu thành công.

Tiếp đến, chúng ta hãy so sánh thương hiệu (brand) với xây dựng thương hiệu (branding).

Nếu như brand là cái mà người tiêu dùng nhìn thấy về bạn, thì branding là một loạt các hành động mà bạn thực hiện để lan tỏa thông điệp của mình ra thế giới, giúp định vị lại nhận thức của người tiêu dùng về thương hiệu.

Packaging design của thương hiệu mật ong Supha Bee Farm với phần hộp giấy được mô phỏng như một chiếc tổ ong thật.

Cuối cùng là nhận diện thương hiệu (Brand identity).

Nhận diện thương hiệu là tập hợp các sản phẩm thiết kế mà bạn thực hiện khi xây dựng thương hiệu. Đó có thể là logo, màu sắc, font chữ, ý nghĩa biểu tượng, icon,… Điểm quan trọng khi làm bộ nhận diện thương hiệu chính là lựa chọn màu sắc chủ đạo (bên cạnh diễn giải hình họa, thông điệp, ý nghĩa,…). Màu sắc giúp làm nổi bật thương hiệu, tạo sự nhất quán trong các sản phẩm đi kèm.

Bộ nhận diện thương hiệu của Burger King

Thương hiệu truyền tải “tính cách” của bạn với thế giới.

Một ví dụ điển hình (case study) gần đây nhất là việc thay đổi bộ nhận diện thương hiệu mới từ Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel. Bước đi tái định vị thương hiệu mới của Viettel dần chuyển mình từ 1 tập đoàn viễn thông sang tập đoàn phát triển đa lĩnh vực (truyền thông, tài chính số, an ninh mạng, hạ tầng, bán lẻ,…) Do đó việc thay đổi nhận diện thương hiệu của Viettel là bước đi tất yếu cần làm, dẫn dắt việc tái định vị, thay đổi logo và slogan.

Đây là quá trình đi từ thương hiệu sang thay đổi nhận diện thương hiệu (re-branding) hoặc tái định vị thương hiệu (re-positioning). So sánh trực tiếp logo mới và cũ của Viettel có thể dễ dàng nhìn thấy ngay hàng loạt các thay đổi và mọi thay đổi dù nhỏ nhất đều có một ý nghĩa biểu thị riêng biệt:

Logo Viettel qua các năm

– Màu sắc chủ đạo thay đổi từ xanh – vàng – trắng thành đỏ – đen – trắng → màu đỏ là sự năng động, trẻ trung, đam mê, tiên phong và cũng là màu của tổ quốc

– Font chữ từ viết hoa toàn bộ trở thành viết thường biểu thị sự thân thiện, cởi mở và tinh thần sẵn sàng hợp tác vì Viettel sẽ xây dựng nền tảng xã hội số nhưng sẽ cần nhiều người cùng chung tay để hiện thực hóa điều này.

– Hai dấu nháy trong logo cũ (ý nghĩa là trích dẫn / hội thoại) được cách điệu thành biểu tượng message nằm trên chữ “i”: đều gần nghĩa là hội thoại nhưng biểu tượng message trông hiện đại hơn, digital hơn biểu thị sự chuyển mình của Viettel thành một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số.

– Slogan thay đổi từ “Hãy nói theo cách của bạn” thành “Theo cách của bạn”: Doanh nghiệp sẽ cần phải hiểu khách hàng mình cần gì thay vì đợi khách hàng nói.

– Phiên bản tiếng anh là “Say it your way” thành “Your way” : những thay đổi này sẽ không chỉ ở Việt Nam mà Viettel sẽ còn mang các dấu ấn này ra toàn cầu.

Việc xây dựng chiến dịch truyền thông thương hiệu xảy ra ở đâu?

Bất cứ nơi nào và tại đâu thu hút sự chú ý của mọi người đều là lựa chọn lý tưởng để xây dựng các chiến dịch truyền thông thương hiệu. Mục tiêu của việc xây dựng và truyền thông thương hiệu là tạo bản sắc riêng, độc đáo để phân biệt bạn với các đối thủ cạnh tranh và truyền đạt cho khách hàng mục tiêu rằng bạn chính xác là những gì họ muốn. Khi phát triển chiến lược xây dựng thương hiệu, hãy nghĩ về những nơi mà thương hiệu của bạn sẽ chiếm không gian và được nhìn thấy – kể cả trực tuyến và ngoại tuyến.

Thương hiệu cá nhân có xu hướng xảy ra ở những nơi mà mọi người ưa thích tương tác với tư cách cá nhân, như trên các nền tảng truyền thông xã hội (như Facebook, Instagram) hoặc tại các sự kiện chuyên nghiệp (event, họp báo, party,…)

Thương hiệu sản phẩm và công ty có xu hướng xảy ra ở những nơi mà sản phẩm và công ty cần nổi bật, như: trong cửa hàng, trung tâm thương mại, siêu thị cũng như trên phương tiện truyền thông xã hội.

Thương hiệu địa lý và văn hóa diễn ra trên quy mô lớn, nhưng chúng cũng xảy ra trên phương tiện truyền thông xã hội, trong không gian công cộng và trong môi trường bán lẻ.

Ví dụ Starbucks có chiến dịch “Line of city mugs” (cốc in hình các thành phố nổi tiếng trên thế giới). Bạn chỉ có thể mua được cốc Thành phố New York in hình cầu Brooklyn, Tòa nhà Empire State và một chiếc taxi màu vàng mang tính biểu tượng tại một cửa hàng Starbucks ở New York. Chiếc cốc này như một món quà lưu niệm đánh dấu việc bạn đã từng tới New York và thưởng thức một ly Starbucks. Đây chính là sự kết hợp thông minh giữa thương hiệu địa lý vào thương hiệu dịch vụ.

Nguồn: uyen.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *