Hiện nay sau vụ cháy chung cư Carina-Quận 8, nhiều người dân tại đây vẫn chưa tiếp xúc được với chủ đầu tư để trao đổi về vấn đề có liên quan.
Chưa làm việc được với đại diện chủ đầu tư
Chiều 1/4, bà Nguyễn Thị Ngọc Mai, đại diện cư dân chung cư Carina Plaza (đường Võ Văn Kiệt, phường 16, quận 8, TPHCM) cho biết đã gửi đơn lên Chủ tịch UBND TP.HCM và Giám đốc Công an TP.HCM đề nghị hỗ trợ, yêu cầu chủ đầu tư chung cư đối thoại với cư dân.
Theo bà Mai, vụ cháy thảm hoạ rạng sáng 23/3, tại chung cư Carina Plaza đã gây thiệt hại to lớn về người và tài sản.
Tuy nhiên, từ ngày xảy ra sự cố đến nay, chủ đầu tư là Cty Hùng Thanh và Cty 577 (góp vốn) chỉ truyền thông tin cho cư dân bằng văn bản ở văn phòng ban quản lý hoặc truyền miệng.
Hiện cư dân Carina đang sống trong cảnh vô cùng khó khăn, phải đi thuê nhà ở, cuộc sống và công việc bị đảo lộn, việc học hành của con em cư dân bị ảnh hưởng….
Bên cạnh đó, có nhiều nội dung cư dân cần chủ đầu tư chung cư Carina giải đáp và cung cấp kịp thời. Tuy nhiên, cư dân không thể tiếp cận được người có thẩm quyền của chủ đầu tư cũng như công ty góp vốn.
“Cư dân chúng tôi muốn được đối thoại trực tiếp với chủ đầu tư là công ty Hùng Thanh và công ty góp vốn là Công ty 577 để giải đáp cho chúng tôi những vấn đề an toàn trong chung cư sau thảm hoạ.
Việc bồi thường, thời gian có thể quay lại sinh sống với độ an toàn đã được kiểm định…
Vì vậy, cư dân chúng tôi xin gửi đơn này kính đề nghị lãnh dạo UBND TPHCM, công an thành phố hỗ trợ yêu cầu chủ đầu tư và thành viên góp vốn của công ty Hùng Thanh tổ chức buổi đối thoại trực tiếp với cư dân Carina vào 18h ngày 4/4”, đơn của bà Mai ghi.
Trước đó, vào tối 25/3, nhiều cư dân đã tập trung đến văn phòng của chủ đầu tư chung cư Carina để mong muốn được đối thoại trực tiếp với chủ đầu tư về những thắc mắc chưa được giải quyết trong thời gian qua.
Tuy nhiên, chủ đầu tư không xuất hiện mà chỉ trả lời bằng văn bản.
Lưu ý bảo hiểm cháy nổ khi mua chung cư
Nghị định 130/2006/NĐ-CP quy định rõ, chủ sở hữu chung cư có trách nhiệm mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với phần sở hữu riêng của mình và có trách nhiệm đóng góp chi phí mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với phần sở hữu chung.
Từ ngày 15/4 tới đây, Nghị định 130 sẽ hết hiệu lực thi hành và được thay thế bởi Nghị định 23/2018/NĐ-CP. Theo đó, một lần nữa quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc với các công trình nhà ở, dân sinh, trong đó bao gồm cả chung cư. Theo quy định trong nghị định, đối tượng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ.
Đặc biệt, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền từ chối bán bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc trong các trường hợp công trình chưa nghiệm thu phòng cháy và chữa cháy, không có biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy, biên bản kiểm tra đã quá hạn 1 năm…
Tuy nhiên, trên thực tế, không phải chủ đầu tư nào cũng thực hiện quy định này. Chia sẻ với PV, một chủ đầu tư cũng cho rằng các tòa nhà họ xây dựng đều đã được mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc cho phần xây dựng, tức phần khung của tòa nhà; còn phần diện tích trong khu nhà thì theo họ người dân phải tự mua.
Còn về phía người dân thì nhiều người còn chưa biết đến quy định này. Sinh sống ở khu đô thị Linh đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) khi được hỏi đến bảo hiểm cháy nổ chung cư, chị Thu Linh cũng nói thật là chưa nắm được quy định mua loại bảo hiểm này.
Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ nhiều chủ đầu tư chưa chấp hành nghiêm bởi quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy được quy định tại Nghị định 52/2012/NĐ-CP cũng chỉ ở mức thấp, từ 20 – 30 triệu đồng đối với cơ sở thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc mà không mua theo quy định, mua không đúng quy tắc, biểu phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc do Bộ Tài chính ban hành. Nhưng thực tế, cũng chưa chủ đầu tư và người dân nào bị phạt vì không mua bảo hiểm.
Chia sẻ tại tọa đàm về “Công tác phòng chống cháy nổ tại các khu chung cư”, bà Nguyễn Thị Hải Yến, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bảo hiểm Quân đội MIC cho biết, sản phẩm bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đang được một số chủ đầu tư sử dụng triệt để, ví dụ tại các tòa nhà của các chủ đầu tư như Vingroup, Sungroup, FLC… chủ đầu tư đã tổ chức các cuộc hội thảo để tuyên truyền đến người dân về sản phẩm bảo hiểm và quyền lợi mà người dân được hưởng.
Tuy nhiên, còn một số chủ đầu tư khác vẫn chưa triển khai hội thảo để tuyên truyền đến người dân, dẫn đến việc người dân không hiểu về bảo hiểm cháy nổ như thế nào để đáp ứng được công tác giảm thiểu rủi ro về tài chính khi không may xảy ra hỏa hoạn.
Theo bà Yến, đối với ban quản lý dự án tòa nhà, hiện MIC có bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, bảo hiểm cháy nổ và mọi rủi ro tài sản (kèm theo điều khoản bổ sung về trách nhiệm trông giữ xe tại tầng hầm), bảo hiểm trách nhiệm công cộng.
Phần dành cho cư dân là bảo hiểm nhà tư nhân (hình thức có thể là cấp trực tiếp đối với hộ dân hoặc thông qua ban quản lý tòa nhà). Sản phẩm này có 2 phần mua bảo hiểm là mua theo giá trị khung nhà hoặc kèm theo mua giá trị tài sản bên trong căn nhà. Bên cạnh đó là bảo hiểm tai nạn con người sẽ áp dụng mua trọn gói theo số thành viên trong gia đình.
Như vậy, quy định về bảo hiểm cháy nổ trong chung cư đã có từ lâu nhưng nhiều năm nay cả chủ đầu tư và người dân đều không thực hiện và mặc cho may rủi.
Khi xảy ra cháy, hầu hết đều đổ lỗi trách nhiệm và yêu cầu bồi thường nhưng đã muộn. Vì thế người mua chung cư cũng cần phải tự trang bị kiến thức cho mình và yêu cầu các chủ đầu tư căn hộ, chung cư mua bảo hiểm cháy nổ chung cư để giúp giảm thiểu rủi ro nếu có tai nạn xảy ra, cũng như có thể dễ dàng yêu cầu đền bù thiệt hại sau này.
Nguồn: Sanota tổng hợp